Bác bỏ cáo buộc sai lệch về ngành gỗ Việt Nam

Thứ sáu - 16/09/2011 01:38

Bác bỏ cáo buộc sai lệch về ngành gỗ Việt Nam

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) đã chính thức lên tiếng bác bỏ các cáo buộc sai lệch của Tổ chức Điều tra môi trường (EIA) đối với các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Tại buổi họp báo được tổ chức chiều 31/8, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Vifores đã khẳng định: doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn nhập khẩu gỗ có nguồn gốc hợp pháp từ Lào và gỗ nhập khẩu từ Lào không sử dụng để sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu vào thị trường Mỹ và EU.

Vào ngày 28/7, Tổ chức Điều tra môi trường (EIA) - một tổ chức phi Chính phủ có trụ sở ở Anh- đã tổ chức họp báo tại Bangkok (Thái Lan) công bố kết luận điều tra , cáo buộc Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4 và 5 doanh nghiệp khác của Việt Nam mua gỗ bất hợp pháp từ Lào và sử dụng nguyên liệu này sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU.

Đây là lần thứ 2 (lần đầu vào năm 2008) EIA phát hành báo cáo về việc buôn bán gỗ bất hợp pháp giữa Việt Nam, Lào và Campuchia. Vào năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Vifores cũng đã có 2 cuộc họp báo để phản bác các cáo buộc của EIA.

Điều đáng nói là tại báo cáo lần này, các thông tin mà EIA đưa ra đều không có số liệu cụ thể. Thậm chí, đơn vị này còn sử dụng những hình ảnh và thông tin đã cách đây 3 năm. Cách thức điều tra, thu thập thông tin của EIA chỉ đơn thuần là qua kênh phỏng vấn không chính thức. Các nhân viên điều tra đã giả danh là khách hàng dể tiếp cận với doanh nghiệp ghi âm, ghi hình bí mật…

Về phía các công ty của Việt Nam bị cáo buộc đều đã có đơn thư bác bỏ các kết luận không chính xác này.

Do đó, đại diện cho các doanh nghiệp trong ngành gỗ, ông Trần Đức Sinh, Chủ tịch Vifores khẳng định, gỗ do các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ Lào có nguồn gốc hợp pháp, được Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào cho phép khai thác theo chỉ tiêu hàng năm. Đây là gỗ khai thác tận thu từ giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng và được cơ quan thẩm quyền của Lào cấp giấy phép xuất khẩu.

Gỗ trước khi xuất khẩu đã được các cơ quan chức năng của Lào kiểm tra chặt chẽ. Khi nhập khẩu vào Việt Nam, gỗ còn phải chịu sự kiểm tra của cơ quan hải quan, kiểm lâm và quản lý thị trường.

Ông Trần Đức Sinh cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam không dùng gỗ nhập khẩu từ Lào để sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu vào thị trường Mỹ và EU, mà chủ yếu dùng để sản xuất ván sàn, cửa đi, cửa sổ, cầu thang, tủ bếp, gỗ xây dựng phục vụ nhu cầu của thị trường nội địa.

Còn các sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU chủ yếu là bàn, ghế ngoài trời được chế biến từ gỗ rừng trồng, nhập từ nguồn có chứng chỉ của Hội đồng Quản trị Rừng thế giới (FSC).
 
Các sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, EU cũng đã được các đối tác nhập khẩu thuê các tổ chức quốc tế thứ 3 giám định độc lập cho từng lô hàng và chưa có lô hàng nào bị trả về do không thoả mãn các yêu cầu.

Hơn nữa, lượng gỗ nhập khẩu từ Lào của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ dao động từ 100.000 – 200.000 m3/năm, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong khoảng 4 triệu m3 gỗ nhập khẩu hàng năm của Việt Nam.

Hiện Vifores cũng đã có công văn bác bỏ các nội dung sai sự thật đối với các doanh nghiệp gỗ Việt Nam gửi tới tổ chức EIA, Tổng cục Môi trường của EU, đại diện EU tại Hà Nội.

Thời điểm này, theo ghi nhận từ Vifores các cáo buộc sai lệch của EIA chưa tác động đến việc xuất khẩu gỗ vào hai thị trường lớn nhất của ngành là Mỹ và EU. Trong năm 2011, kim ngạch mà xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thu về vẫn sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD. Tuy nhiên, những thông tin này cũng sẽ gây tác động có hại về lâu dài đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và uy tín của ngành gỗ Việt Nam.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục tin
Thương Hiệu
JANMI
Awood
Thống kê
  • Đang truy cập38
  • Hôm nay16,352
  • Tháng hiện tại181,428
  • Tổng lượt truy cập39,760,208
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây